10 chữ hàm chứa trí tuệ lớn nhất đời người

1. Khổ: Người khổ tâm, Trời chẳng phụ
Cuộc đời muôn vẻ, điều khó nói ra nhất là khổ, cái khó chịu đựng nhất cũng là khổ.
Có người nào không bước ra từ cái khổ? Ai dám nói mình chưa hề biết khổ đau là gì? Con người thường chịu khổ một trận, nhưng sẽ không chịu khổ cả đời. Thẳng thắn đối mặt thì cái khổ cuối cùng sẽ thành tựu hạnh phúc.
Không nên coi cái khổ quá lớn, một năm 360 ngày dầm dãi gió sương, nếu không thì cuộc đời sẽ là đống hoang phế.
Cũng không nên cố tình tạo ra, phóng đại cái khổ. “Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”, nếu không cuộc đời chỉ là đống gạch đá vụn.
Không nên coi khổ là vận xui, lấy khổ làm vui, trong khổ vốn đã có mầm vui rồi, đời người luôn luôn có cả vui lẫn khổ.

 

2. Nhẫn: Trong chữ Nhẫn có một lưỡi dao
Người ôm chí lớn mới biết nhẫn, xả bỏ những phân tranh vô vị trước mắt, nỗ lực tiến lên về phía mục tiêu của mình.
Người có tầm nhìn xa trông rộng mới có thể nhẫn, họ thưởng thức các vì sao trên bầu trời, nên nhẫn chịu được muỗi đốt kiến cắn.
Nhẫn không phải là nhu nhược, cũng không phải là vô dụng, nhẫn là sức mạnh, là tư tưởng, là từ bi, là trí tuệ, và là nghệ thuật.
Nhẫn nhất thời trời yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn khiến việc lớn thành việc nhỏ, khiến việc nhỏ thành vô sự. Trong lòng không chứa việc, trong tâm không áp lực, ăn sẽ ngon, ngủ sẽ yên, người sẽ khỏe mạnh, cuộc đời sẽ hạnh phúc.

3. Vui: Một nụ cười, mười năm trẻ
Cuộc sống người hiện đại bận rộn và căng thẳng, vì vậy lại rất cần sự vui vẻ. Chớ quên “một nụ cười, bằng mười thang thuốc bổ”, chẳng lý do gì mà ngăn cản bạn mở lòng phóng khoáng với cuộc đời này để tận hưởng trọn vẹn niềm vui tươi mới.

 

4. Động: người di chuyển thì sống
Động có thể dưỡng sinh. Sinh mệnh tồn tại ở vận động.
Nước chảy luôn động, nên không hôi thối; then cửa luôn động, nên không mối mọt. Con người cần giữ trạng thái động, đừng sống an nhàn với hiện trạng, chịu khuất phục, an nhàn khiến tâm hồn “chết” đi, chi bằng hãy phấn chấn mà chống lại nó.
Hãy công phá những thói quen đã quá quen thuộc của mình, dám bước ra khỏi “cái lồng” quen thuộc, tìm điểm nghỉ ngơi mới. Nơi mới có nghĩa là sự khởi đầu mới.

 

5. Tĩnh: Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức

Tĩnh có thể sinh ra trí tuệ. Sách “Quản Tử” viết: “Tĩnh thì được, nóng nảy thì mất”.
Tĩnh không phải là sự giả dối, kìm nén, che giấu cảm xúc. Tĩnh chân chính là cuộc sống có mục tiêu, có truy cầu chân chính, để thực hiện mục tiêu cuộc đời mà mình đã đặt ra, kiên định không gì lay chuyển nổi, làm việc nghĩa chẳng quay đầu nghĩ lại.
Tĩnh chân chính là vứt bỏ hết cái tâm nóng vội, đứng núi này trông núi khác, là không truy cầu những ảo tưởng mơ hồ mịt mùng, không thiết thực, là không có tạp niệm.

6. Hòa: Có hòa mới có vinh
Có câu dĩ hòa vi quý, gia đình hòa thuận vạn sự hưng thịnh.
Hòa với mình, tâm yên định. Hòa với người, thật lòng đối đãi nhau. Vợ chồng hòa thuận, tình cảm ấm áp.
Trong tâm một chữ Hòa, sự nghiệp hưng thịnh, đi khắp thiên hạ đều là người thân.

 

7. Giản: Giản đơn, thanh đạm như nước
Giản là thong dong mà không gấp gáp, tự tại mà chẳng quẫn bách, cẩn thận mà chẳng sốt ruột, điềm đạm mà chẳng tầm thường.
Hoa thơm không cần nhiều, người đơn giản có một sự ưu nhã không gì sánh được.

8. Sướng (thông suốt, trôi chảy): Mây trên trời, nước trong bình
Cuộc đời thông suốt chính là trạng thái “Sướng” (thông suốt, trôi chảy), trạng thái tự nhiên thấu hiểu như mây trên trời, nước trong bình.
Đời người không thông suốt thì sẽ đầy nứt nẻ và đau khổ. Chỉ có thông suốt rồi, cuộc đời căng thẳng mới được thư giãn, vui vẻ tự tại.
Chỉ có cuộc đời thông suốt, mới có thể tiếp nhận bất cứ sự việc gì, có thể chịu được bất cứ sự công kích nào, có thể hưởng thụ cuộc sống trong bất kỳ phương thức sống nào.

 

9. Thiện: Người thiện lương được lâu bền
Người tích thiện, ắt sẽ có đầy phúc lành. Người tích bất thiện, ắt sẽ có đầy tai ương.
Thiện với người, suy cho cùng cũng chính là thiện với mình.
Tâm địa thuần khiết, không có ác ý với người, cuối cùng sẽ nhận được báo đáp.

10. Ngộ: Lĩnh ngộ chuyển mình, cuộc đời thăng hoa.
Ngộ là một loại tu sửa, là sau khi trải qua thử thách, lĩnh ngộ chuyển mình. Chuyển mình không cần phải là cái gì đó lớn lao hoa lệ, mà là càng ung dung bình thản đối diện với hết thảy, nắm bắt hết thảy, nhìn thấy và vững vàng đi trên con đường chính mình lựa chọn.

Nguồn: Tủ sách chữa lành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *